Đường là loại gia vị được sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là với những ai yêu thích của đồ ngọt. Tuy nhiên, giống như nhiều loại gia vị khác, đường cũng có loại tốt và loại xấu. Hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra những nghiên cứu cho thấy tác hại khôn lường của đường tinh luyện, đường hóa học với sức khỏe. 7 loại đường có nguồn gốc từ thiên nhiên sau sẽ an toàn hơn với sở thích hảo ngọt của bạn!
Đường nho
Khi mới nếm đường nho có vị ngọt nhưng dần sẽ chuyển sang vị chua. Đường nho xuất hiện trong nhiều món ăn, gần gũi nhất chính là món tào phớ. Đường nho giúp món tào phớ mềm, mịn, vị ngọt thanh và mùi thơm hấp dẫn.
Đường cỏ ngọt
Tên thoạt nghe có vẻ mới lạ nhưng đây lại là loại đường rất quen thuộc với nhưng người ăn kiêng hoặc người bị đái tháo đường.
Cây cỏ ngọt hay còn được gọi với tên khác là cây cỏ đường, cỏ stevia. Đây là một loại cỏ có nguồn gốc ở thung lũng Rio Monday, đông bắc Panama, Trung Mỹ thường được dùng làm chất tạo ngọt và làm thuốc. Hoạt chất chính trong cỏ ngọt là một glycoside tên là steviol, có độ ngọt gấp 300 lần so với đường mía nhưng không ảnh hưởng lên nồng độ glucose máu, cho nên cỏ ngọt stevia có thể dùng làm phụ gia thực phẩm cho người ăn kiêng và người bị đái tháo đường.
Đường củ cải đường
Từ thế kỷ thứ 19, khi kỹ thuật chiết xuất đường đã xuất hiện, củ cải đường đã được xem là một trong những nguồn nguyên liệu chính để sản xuất đường. Đường củ cải được chế biến bằng cách cắt củ cải đường thành những lát mỏng rồi đưa vào chiết xuất nước ép tự nhiên. Sau đó nước củ cải đường sẽ được được tinh chế và làm nóng để tạo ra một loại siro đậm đặc, rồi đưa vào quy trình kết tinh để tạo thành đường hạt.
Đường củ cải thường được dùng để chế biến các món ngọt hoặc pha cà phê rất ngon.
Đường mía
Đường mía là loại được được sử dụng phổ biến nhất và là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta. Các chế phẩm từ đường mía bao gồm:
Mật mía: Mật mía được nấu từ nước ép mía cô đặc, trải qua quá trình đun nấu, khuấy đảo, lọc lắng cẩn thận để cho ra thành phẩm là những giọt mật ngọt ngào, dinh dưỡng và an toàn với sức khỏe người dùng. Mật mía thường được dùng thay đường, vừa là phương thuốc chữa bệnh, vừa để chế biến các món ăn mặn ngọt đặc sản như bánh gio mật mía, chè khoai mì mật mía, bò kho mật mía...Ở Việt Nam nghề làm mật mía thường gắn liền với nghề nấu đường thủ công, nhiều làng nghề nổi tiếng gần xa với sản phẩm mật mía sạch, ngon, bổ dưỡng như làng nghề Hòn Rô (Nghệ An), Đồng Chạ (Thanh Hóa)...
Đường bát: Đường bát cũng được sản xuất với quy trình thủ công gần giống như mật mía nhưng ở dạng rắn, thường đổ thành khuôn bát, khi dùng sẽ cắt nhỏ miếng đường để sử dụng. Đường bát là đặc sản của nhiều địa phương từ các tình miền trung đổ vào trong.
Đường phèn: Đường phèn cũng là một chế phẩm từ mía nhưng ở thể rắn, màu trắng ngà hoặc màu trắng trong. Đường phèn là một phương thuốc và nguyên liệu trong nhiều món ăn bổ dưỡng như yến chưng đường phèn, chè sen đường phèn, chanh/quất ngâm đường phèn…
Đường tinh luyện, đường cát...cũng là một dạng của đường mía được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, do quá trình sản xuất công nghiệp có sử dụng hóa chất tẩy trắng để tạo độ tinh khiết nên loại đường này không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Các tác hại của đường tinh luyện có thể kể đến như đầy nhanh quá trình lão hóa của da và cơ thể, nguyên nhân gây ra sâu răng, tiểu đường, suy tim, béo phì, nguy hiểm hơn còn dẫn đến ung thư.
Đường dừa
Giống như tên gọi của nó, đường dừa được chế biến từ nhựa dừa và chỉ trải qua 1 quá trình sơ chế nên an toàn với người dùng. Nhựa dừa sau khi chiết xuất sẽ sấy khô bằng nhiệt, thành phẩm là những hạt đường kết tinh màu nâu, vị ngọt thanh và mùi thơm của dừa sấy rất rõ. Đường dừa được khuyên dùng bởi có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, quá trình chế biến thủ công và thành phần dinh dưỡng chứa nhiều canxi, magie, inulin, kali, chất xơ…
Các tổ chức y tế, trong đó có Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra lời khuyên nên hạn chế ăn đường hoặc các sản phẩm nhiều đường. Lượng đường tiếp nạp vào cơ thể an toàn với phụ nữ là dưới 6 muỗng cà phê (24 gram) mỗi ngày và dưới 9 muỗng cà phê (36 gram) mỗi ngày đối với nam giới. Sử dụng các chế phẩm đường có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp bạn hạn chế ảnh hưởng xấu từ đường đến sức khỏe của mình và gia đình.