Mật mía đen là sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất đường. Mặc dù vẫn chứa đường, nhưng nó cũng cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi, bao gồm cả sắt.
Sản xuất đường bắt đầu bằng việc đun sôi nước mía để kết tinh đường, sau đó lọc để tách đường ra khỏi nước. Phần nước đặc còn lại chính là mật mía.
Khi tiếp tục đun thêm hai lần nữa, ta thu được mật mía đen – một loại mật đặc hơn, đậm màu hơn và có vị đắng đặc trưng.
Do được đun ba lần, mật mía đen chứa hàm lượng dinh dưỡng đậm đặc hơn so với các loại mật mía khác, điều này lý giải vì sao nó đang ngày càng được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung.
Mật mía đen thường được dùng như chất tạo ngọt, phết lên bánh, hoặc làm topping cho sữa chua, yến mạch. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong dân gian để hỗ trợ điều trị thiếu máu, viêm khớp, căng thẳng, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), và tăng đường huyết, dù nhiều công dụng trong số này chưa được khoa học chứng minh rõ ràng.
Dưới đây là 6 lợi ích đã được khoa học ghi nhận của mật mía đen:
1. Bổ dưỡng hơn đường tinh luyện
Chỉ với 1 muỗng canh (15ml) mật mía đen cung cấp:
-
60 calo
-
14g carb
-
10g đường
-
1g protein
-
0g chất béo
-
20% nhu cầu sắt hằng ngày (DV)
-
10% canxi DV
-
10% magie DV
-
9% kali DV
-
8% vitamin B6 DV
Không giống đường tinh luyện (gần như không có giá trị dinh dưỡng), mật mía đen chứa nhiều sắt, canxi, magie, kali và phốt pho.
Trên đơn vị trọng lượng, mật mía đen có hàm lượng sắt cao hơn trứng, nhiều canxi hơn sữa, và kali cao nhất trong các thực phẩm tự nhiên. Nó cũng chứa 18 loại axit amin.
2. Có thể hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu
Là thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu sắt, mật mía đen thường được dùng để hỗ trợ điều trị thiếu máu do thiếu sắt.
Mật mía đen chứa lượng sắt cao gấp 2–3,5 lần so với mật mía sáng và mật mía nâu (lấy sau lần đun đầu và thứ hai).
Mặc dù là sắt từ thực vật – cơ thể thường hấp thụ kém hơn so với sắt từ động vật – nhưng tỷ lệ hấp thụ (sinh khả dụng) lên đến 85%, được xem là rất cao.
Thường được dùng kết hợp với các nguồn sắt thực vật khác như rau lá xanh, đậu nành, các loại đậu.
3. Có thể giúp cải thiện táo bón ở trẻ em
Một số nghiên cứu cho thấy mật mía đen có thể là phương pháp tự nhiên giúp giảm táo bón ở trẻ nhỏ.
Liều khuyến nghị: 0,5ml mật mía đen cho mỗi pound cân nặng (tương đương 1ml/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày), dùng liên tục trong 1 tháng, giúp tăng tần suất đại tiện và giảm đau bụng ở trẻ bị táo bón.
Người ta cho rằng polysaccharide trong mật mía đen hoạt động như chất xơ hòa tan, giúp làm mềm phân và dễ đi ngoài. Ngoài ra, kali cao trong mật còn hỗ trợ điều hòa co bóp cơ ruột, hỗ trợ đào thải phân.
4. Giàu chất chống oxy hóa
Mật mía đen rất giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là polyphenol, nhiều hơn hẳn nước mía hoặc siro mía.
Chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, nguyên nhân dẫn đến stress oxy hóa và các bệnh mạn tính như: bệnh tim, tiểu đường, béo phì và ung thư.
5. Có thể hỗ trợ sức khỏe xương
Canxi là khoáng chất chính cấu tạo nên xương. Thiếu canxi kéo dài có thể gây loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương.
Với 10% lượng canxi cần thiết mỗi ngày chỉ trong 1 thìa mật mía đen (15ml), việc sử dụng thường xuyên có thể giúp duy trì mật độ xương và hạn chế nguy cơ loãng xương.
6. Có thể tăng cường sức khỏe tóc
Thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc, đặc biệt ở phụ nữ. Mật mía đen – giàu sắt – có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng tóc khỏe mạnh.
Ngoài ra, thiếu sắt còn có thể liên quan đến bạc tóc sớm ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Do đó, bổ sung sắt từ mật mía đen cũng có thể giúp cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu cụ thể hơn về hiệu quả trực tiếp.
Một số công dụng chưa có cơ sở khoa học rõ ràng
Nhiều người tin rằng mật mía đen còn giúp:
-
Giảm viêm khớp, chống đau nhức xương khớp
-
Ổn định đường huyết, nhờ có chỉ số GI thấp
-
Cải thiện ADHD (tăng động giảm chú ý)
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học vẫn còn hạn chế hoặc chưa xác thực. Trước khi sử dụng mật mía đen để hỗ trợ điều trị, nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.
Nguồn: healthline